Đóng

Cộng đồng chia sẻ

Quản Trị 07/01/2019 Cộng đồng chia sẻ, Tin di trú

Làm dâu ở Mỹ

Hình ảnh có liên quan

Khi mùa thu đến, mẹ chồng tôi nghỉ làm để chạy xe hàng giờ liền cho tôi thỏa sức ngắm và chụp hình cây lá. Mẹ tôi còn học cách nấu phở, pha nước mắm để thêm gia vị cho từng món ăn.

Mấy hôm nay tôi có theo dõi một số bài viết của các anh chị, cô chú về cuộc sống tại Mỹ. Mỗi người một quan điểm, một cuộc sống khác nhau nhưng cũng đã khắc họa một phần nào đó xã hội Mỹ mà họ đang sống. Trong bài viết này, tôi sẽ không đề cập đến vấn đề ai đúng hay ai chưa hoàn thiện vì tôi tôn trọng ý kiến riêng của mỗi người. Họ kể câu chuyện của chính họ bằng những trải nghiệm, bằng cái cách họ nhìn cuộc sống qua lăng kính của riêng mình.

Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình mà ba mẹ và con cái hết mực yêu thương và hy sinh cho nhau. Ba mẹ tôi tôn trọng con cái và khuyến khích chúng tôi được làm những gì mình cho là đúng và khiến mình sống hạnh phúc. Nền tảng giáo dục vững chắc cùng sự thương yêu vô bờ bến của gia đình đã khiến cho hai chị em tôi bước vào đời với tất cả tự tin và đạt được một số thành công nhất định. Khi tôi bước ra khỏi giảng đường cũng là lúc tôi bước vào một môi trường làm việc đa quốc gia. Xung quanh tôi chính là những anh chị đi trước giàu nhiệt huyết và rất tài giỏi cho tôi học tập. Tôi yêu môi trường làm việc đó và ở lại cùng với nó một thời gian cho đến khi tôi quyết định chạy theo tiếng gọi của trái tim.

Tôi sang Mỹ định cư vào 3 năm về trước và người chồng tôi kết hôn cũng không ai khác chính là người bạn thân nhất của tôi trong năm năm qua. Chồng tôi giúp tôi rèn luyện ngoại ngữ từ những ngày đầu khi tôi còn nói bập bẹ tiếng Anh. Chồng tôi kiên nhẫn ngồi ở nửa vòng bên kia của trái đất để gõ từng câu chữ giúp tôi sửa từng lỗi văn phạm tiếng Anh.

Cả hai đi bên đời nhau trong một giời gian dài như thế cho đến khi quyết định mãi ở gần bên nhau vào năm 2007. Tôi sang Mỹ với hành trang duy nhất chính là tình yêu tôi dành cho anh chàng người Mỹ cao lớn, người mà khi yêu tôi, anh ấy yêu luôn cả gia đình tôi.

Khi chồng tôi về Việt Nam, không một người thân nào hay người bạn nào của tôi mà không yêu quý và dành những lời lẽ tốt đẹp cho chồng tôi cả. Đơn giản chỉ vì, chồng tôi luôn đối xử với mọi người với trái tim nồng hậu. Chồng tôi sẵn sàng giúp người Việt dọn chén đũa, sẵn sàng thử tất cả các món mà mọi người dọn mời. Chồng tôi học cách cúng kiếng của người Việt vì biết đó là một phần văn hóa không thể thiếu của mình. Mỗi khi ngày rằm hay đến dịp phải cúng kiếng, tôi chỉ cần gọi cho chồng và trên đường về thì tay anh ấy đã cầm đủ ngũ quả để xếp cho đúng kiểu cúng kiếng ở nhà mẹ tôi hay làm. Khi con gái của một gia đình bạn thân của gia đình mất tại Việt Nam, trong suốt những giờ cô bé ấy hấp hối ở bệnh viện, chồng tôi luôn có mặt và tiễn đưa em ấy đi ở ngày cuối cùng của tang lễ. Chồng tôi ngồi đó giúp gia đình cô ấy dọn bánh trái để mời khách đến viếng và trong những ngày ấy không vị khách nào mà không dừng lại bắt tay và nói hello với anh chàng người Mỹ nổi trội trong đám đông ngày ấy. Chồng tôi làm vậy vì một phần muốn được hiểu thêm về văn hóa Việt, phần còn lại vì thương người mẹ của cô bé ấy, người mà chúng tôi xem như gia đình của mình.

Ngày đính hôn của tôi tại Việt Nam, bạn bè đến dự rất đông đủ và ai nấy cũng đều rất vui mừng vì tôi lấy được một người chồng tốt, người mà tôi nghĩ sẽ trở thành người cha tốt nhất cho những đứa con của tôi sau này. Tôi sang Mỹ, không ở riêng mà sống chung với bố mẹ chồng của mình. Mẹ chồng tôi là một người phụ nữ nhân hậu và chính bà là người dạy tôi rất nhiều về giá trị đích thực của hạnh phúc. Bố mẹ chồng tôi kết hôn với nhau đã được hơn 42 năm và chưa một buổi sáng nào mà bố chồng tôi quên dậy sớm để pha cà phê cho vợ mình. Hơn 42 năm ấy, người đàn ông ấy chỉ yêu một người phụ nữ và hết lòng yêu thương con trai và vợ con mình. Bố mẹ chồng tôi yêu thương tôi như con gái của mình và chính sự săn sóc và ân cần của họ đã khiến cho cuộc sống mới của tôi càng thêm thú vị.

Mẹ chồng tôi giúp tôi trải nghiệm tất cả những ngày lễ lớn nhỏ tại Mỹ. Tôi đi từ hết bất ngờ này đến bất ngờ khác khi mà một buổi sáng của lễ Phục sinh tôi thức dậy với giỏ quà để sẵn dành cho mình. Tôi cùng mẹ chồng học cách nướng gà tây cho lễ Tạ ơn và làm cả những món bánh cùng thức ăn truyền thống khác của Mỹ. Tôi cùng mẹ chồng đi mua sắm, cùng trang trí nhà cửa, cùng gói quà cho lễ giáng sinh, cùng trang trí Halloween, cùng tham quan các lễ hội cũng như các hoạt động khác của người Mỹ. Khi mùa thu đến, mẹ chồng tôi sẵn sàng nghỉ làm để chạy xe hàng giờ liền để cho tôi thỏa sức ngắm và chụp hình cây lá khi thu sang. Mẹ chồng tôi chỉ tôi may vá, đạp những đường chỉ đầu tiên cho đến khi tôi có thể tự mình may giỏ xách, áo quần, cùng làm hàng loạt thứ khác. Bản thân tôi do đó mà hòa nhập với cuộc sống Mỹ lúc nào cũng không hay và tôi bắt đầu mong ngóng lễ Giáng sinh như cái cách mà tôi thường háo hức chờ đời khi Tết đến.

Sự học hỏi của tôi để hòa nhập với xã hội Mỹ không chỉ đến từ một chiều vì chính những thành viên Mỹ trong gia đình tôi cũng thích nghi dần với văn hóa Việt. Bố mẹ chồng tôi học cách nấu phở, học cách quấn chả giò, học chơi bài tiến lên, học bầu cua cá ngựa và học cả cách pha chế nước mắm để thêm gia vị cho các món ăn khác nhau.

Tôi tự hào về gia đình Mỹ mình đang sống nơi đã tạo cho tôi niềm tin và tình yêu vào đất nước mà tôi hiện đang sống như chính cách mà chị sếp ở công ty tôi làm trước kia từng trìu mến nói cùng tôi: “Chị rất tự hào về em vì chính em như một người đại sứ Việt, mang cả văn hóa Việt Nam vào gia đình Mỹ và khiến họ yêu thương và trân trọng mình”. Tôi nghĩ, tình yêu thương và sự cố gắng luôn đến từ hai phía.

Bố mẹ chồng tôi dạy tôi bằng chính sự mẫu mực và nhân hậu trong cách sống của họ. Đối với họ cũng như đối với ba mẹ tôi, thước đo thành công và sự viên mãn trong cuộc sống không quy đổi ra đồng tiền mà chính là sự hạnh phúc và an lành mà con cái mình đạt được. Tôi đi học, tôi đi làm và thử sức với những công việc khác nhau để khám phá bản thân mình. Tôi không còn giới hạn bản thân mình với ngành đối ngoại tôi làm trước khi sang Mỹ mà thử sức mình với nghệ thuật cũng như những gì tôi yêu thích.

Tôi làm việc, tôi đi du lịch khám phá thêm nhiều về đất nước mình đang sống để yêu thêm lấy nó. Tôi tận hưởng cuộc sống của chính mình theo chính cách mà trái tim mình cảm nhận. Tôi kết bạn với người ở nhiều chủng tộc khác nhau và học được từ họ rất nhiều điều thú vị. Đối với tôi nước Mỹ đã trở thành ngôi nhà thứ hai của mình và tôi cũng yêu nó và tự vào về nó như chính cách tôi tự hào về nơi tôi sinh ra và lớn lên vậy.

Chúc tất cả mọi người một tuần làm việc mới thật vui vẻ và luôn hạnh phúc. Khi viết đến những dòng cuối này, tôi bỗng chợt nhớ nhịp sống sôi động, những dòng xe hối hả và cả những góc nhỏ của tuổi thơ tôi tại Sài Gòn. Một ngày nào đó, tôi sẽ mang cả gia đình Mỹ của mình trở lại, một ngày không xa…

Hồng Ngọc

NGUỒN:https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/nguoi-viet-5-chau/lam-dau-o-my-2171585.html

Quý phụ huynh và các em có nhu cầu tìm hiểu thông tin chi tiết vui lòng liên hệ để được tư vấn miễn phí:
CÔNG TY TƯ VẤN DU HỌC VÀ DI TRÚ THANH TÂM
57/7 A1 Hồ Bá Phấn, Phước Long A, Quận 9, TPHCM.
Tel: (028) 3728.1898 – hotline: 0976.848.898 (Có thể gọi qua zalo hoặc viber)
Emailduhocthanhtam@gmail.com 
Websitehttps://visamisstam.com
Facebookwww.facebook.com/duhocthanhtam

Chat Facebook
  • Công ty tư vấn Du học và Di trú Thanh Tâm xin chào bạn!

  • Chúng tôi có thể hỗ trợ gì cho bạn?

  • Chat ngay