Chuẩn bị kỹ ‘từ A đến Z’ để du học thành công
Trải nghiệm du học là một trải nghiệm quý giá để trưởng thành. Tuy nhiên, sự chuẩn bị sớm và chi tiết là cần thiết, vì “failing to plan is planning to fail” (không chuẩn bị thì sẽ thất bại)!
Chuẩn bị tài chính, ngoại ngữ
Trung bình để đi du học các nước nói tiếng Anh bạn cần trả học phí từ 15.000 USD/năm trở lên, thậm chí tới 60.000 USD/năm cho một năm học và thêm 10.000-15.000 USD nữa cho chi phí sinh hoạt trong một năm.
Ngoại trừ những bạn có điều kiện tài chính tốt – du học tự túc, phần lớn sinh viên Việt Nam nỗ lực tìm kiếm học bổng. Tốt nhất là có học bổng toàn phần – chi trả cả học phí lẫn tiền ăn ở, thậm chí những chương trình học bổng lớn còn cho cả tiền tiêu vặt, chi phí đi học tập, nghiên cứu ở một nước khác, nhưng số này không nhiều.
Thấp hơn có học bổng miễn 100% học phí, hoặc một phần học phí như 10%, 20%, 50%.
Nhiều bạn xác định được học bổng bán phần miễn cho 50% học phí trong 4 năm học là đã tiết kiệm được một khoản tiền rất lớn và xin học bổng cũng là cơ hội thử thách tính cạnh tranh của mình.
Một chiến lược khác là chuyển hướng sang các nước châu Âu vẫn còn chính sách miễn phí, hoặc thu học phí tượng trưng, có thể kể đến như Pháp, Đức, Bỉ…
Đi du học, bạn phải thành thạo ngoại ngữ cho cả mục đích giao tiếp hằng ngày lẫn phục vụ mục đích học thuật ở mức độ khó rất cao. Thông thường, các trường ĐH đều đưa ra yêu cầu ngoại ngữ tối thiểu là trình độ B2 của ngôn ngữ giảng dạy theo khung tham chiếu châu Âu.
Tuy nhiên, để học tập thành công, các bạn đều phải chuẩn bị vốn ngoại ngữ cao hơn thế, ví dụ trình độ C1, C2, ví dụ với tiếng Anh là tương đương IELTS 7.0 – 8.5 điểm.
Cả học ngoại ngữ và tích lũy tài chính đều cần thời gian rất dài. Hiện nay, hầu hết học sinh Việt Nam được học tiếng Anh từ tiểu học, ở thành phố có điều kiện thậm chí được học từ mầm non, do vậy ngày càng có nhiều bạn trẻ đáp ứng được yêu cầu về ngôn ngữ để du học.
Nếu bạn chọn học tập bằng ngôn ngữ khác như tiếng Pháp, Hà Lan, Thụy Điển, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… thì bạn cần có kế hoạch trước 3-5 năm học liên tục để có trình độ trung cấp và cao cấp.
Kỹ năng học tập, sinh sống đa văn hóa
Ngoài những thứ “bề nổi”, dễ thấy ở trên, còn rất nhiều kỹ năng khác cần chuẩn bị cho một lộ trình sẵn sàng, ít rủi ro và dễ thành công hơn. Hầu hết học sinh đi ra từ trường phổ thông của Việt Nam bị nhận xét là thiếu các kỹ năng quan trọng.
Trước hết là kỹ năng học tập, là việc “học cách học”, biết đặt mục tiêu học tập, biết lên kế hoạch học tập có thứ tự ưu tiên, có trọng tâm rõ ràng, biết sử dụng phương pháp học tập hiệu quả để trong thời gian ít nhất nhưng có khả năng tập trung cao nhất và học được nhiều nhất.
Đây là “chìa khóa” để có thể đọc hiệu quả một khối lượng khổng lồ các tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau để có thể lấy được thông tin và kiến thức cho các bài trong suốt quá trình du học.
Ngoài kỹ năng học tập là kỹ năng sống, quan trọng nhất là giao tiếp đa văn hóa. Bước chân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, bạn chính thức là công dân toàn cầu, và bạn phải hành xử như một công dân toàn cầu trong mọi mối quan hệ với người khác. Và điều đó đòi hỏi phải học, từ luật pháp nước sở tại cho tới văn hóa, phong tục tập quán, hệ thống dịch vụ, quy tắc ứng xử.
Gần đây, lần đầu tiên các bạn học sinh theo học chương trình bằng tú tài Mỹ của Đại học Sư phạm Missouri tổ chức tại Việt Nam chính thức được học môn học “Công dân toàn cầu” (Global Citizenship), giúp các bạn có nền tảng căn bản về giao tiếp quốc tế với vai trò của một công dân toàn cầu có trách nhiệm.
Làm sao để bạn không là nạn nhân của sự kỳ thị, làm sao bạn có thể đảm bảo an toàn cho mình, làm sao bạn tránh không bị cáo buộc là phân biệt đối xử, là đạo văn, tất cả đều phải được chuẩn bị kỹ trước khi lên đường.
Kỹ năng quản lý cuộc sống của mình cũng tạo ra trải nghiệm học tập “dễ chịu” hoặc “vất vả” với các bạn du học sinh khác nhau. Từ chuyện làm quen đồ ăn cho tới việc xài điện thoại, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, thuê nhà ở… đều là những điều không dễ dàng.
Quản lý thời gian, quản lý tiền bạc và quản lý mối quan hệ cũng là những kỹ năng vô cùng cần thiết cho một du học sinh sống độc lập ở nước ngoài.
Cạnh tranh từ hồ sơ
Làm hồ sơ du học cũng cần sự chuẩn bị tính bằng năm. Càng có nhiều thời gian chuẩn bị, bạn càng có cơ hội làm cho bộ hồ sơ của mình cạnh tranh, đặc biệt là khi bạn nhắm tới việc xin học bổng hoặc vào học các trường ĐH có xếp hạng cao. Thông thường, để nhập học một khóa học vào tháng 9 sang năm, bạn phải bắt đầu quá trình nộp hồ sơ từ tháng 9 năm nay. Tùy từng nước và từng trường ĐH, bạn phải chuẩn bị bộ hồ sơ ứng tuyển với nhiều yêu cầu khác nhau. Hãy tìm hiểu và chuẩn bị mọi thứ đầy đủ!
BÙI KHÁNH NGUYÊN
Nguồn: https://tuoitre.vn/chuan-bi-ky-tu-a-den-z-de-du-hoc-thanh-cong-20181228215200862.htm
Quý phụ huynh và các em có nhu cầu tìm hiểu thông tin chi tiết vui lòng liên hệ để được tư vấn miễn phí:
CÔNG TY TƯ VẤN DU HỌC VÀ DI TRÚ THANH TÂM
57/7 A1 Hồ Bá Phấn, Phước Long A, Quận 9, TPHCM.
Tel: (028) 3728.1898 – hotline: 0976.848.898 (Có thể gọi qua zalo hoặc viber)
Email: duhocthanhtam@gmail.com
Website: https://visamisstam.com
Facebook: www.facebook.com/duhocthanhtam