Bức thư của bảo vệ giúp nam sinh Mỹ trúng tuyển đại học danh giá
Bài viết của Rebecca Sabky, cựu giám đốc tuyển sinh của Đại học Dartmouth (một trong 8 trường thuộc khối Ivy League danh giá của Mỹ, có tỷ lệ trúng tuyển 10,4% năm 2017) về câu chuyện đặc biệt, đăng trên New York Times ngày 4/4.
Khi tới các trường trung học để cung cấp thông tin tuyển sinh, tôi thường bị vây kín bởi học sinh. Thông thường, khi bài giảng kết thúc, các em chạy đến đưa hồ sơ, cố gắng lôi kéo sự chú ý của tôi bằng cách kể về kỳ thực tập hay chương trình khoa học đã tham gia trong mùa hè.
Tuy nhiên, mùa xuân năm ngoái, sau buổi nói chuyện tại một trường công lập ở New Jersey, tôi đã gặp một học sinh hoàn toàn khác.
Khi chuông reo, tôi nhét sách vào túi và bắt đầu đi qua hành lang hỗn độn, khi học sinh trung học di chuyển ồ ạt như sóng thần vào giờ ăn trưa.
Ngay trước khi đến bãi đỗ xe, một ai đó vỗ vào vai tôi.
“Xin lỗi, thưa cô. Cô làm rơi một thanh bánh ngũ cốc trên sàn nhà ở quán ăn. Em đuổi theo cô vì em nghĩ cô cần món ăn vặt này”, nam sinh mỉm cười với bộ răng niềng, chưa kịp để tôi cảm ơn thì đã đưa đồ và biến mất giữa cả rừng học sinh.
Làm việc trong bộ phận tuyển sinh ở Đại học Dartmouth giúp tôi biết đến rất nhiều người trẻ tài năng. Tôi từng là giám đốc tuyển sinh quốc tế và hiện làm việc bán thời gian sau sinh. Mỗi năm, tôi đọc hơn 2.000 hồ sơ ứng tuyển đại học từ học sinh trên toàn thế giới, tất cả đều thể hiện tài năng và lòng hiếu học. Họ leo núi, tham gia hoạt động ngoại khóa, phát triển công nghệ mới. Họ là những nhà lãnh đạo của thế hệ tiếp theo. Thành tích của họ nhanh chóng chất thành núi.
Vấn đề là trong biển người tiềm năng như vậy, những ứng viên nổi bật cũng sẽ dễ hòa lẫn với người khác, ít nhất là khi xem trên giấy tờ. Thật khó để chọn ai là người được nhận vào trường. Giữa mớ hỗn độn bao gồm điểm SAT, hoạt động ngoại khóa, thư giới thiệu, có một phẩm chất vô cùng hấp dẫn ở ứng viên, đó là sự tử tế. Đặc điểm này rất khó xác định trong hồ sơ ứng tuyển, thậm chí ngay cả khi các trường đại học đặt ra câu hỏi đúng để tìm hiểu. Tuy nhiên, sự tử tế vẫn không ngừng tỏa sáng.
Dấu hiệu đáng ngạc nhiên nhất của sự tử tế mà tôi từng nhìn thấy trong sự nghiệp tuyển sinh của mình đến từ một nam sinh của trường công lập ở New England (Mỹ). Cậu rất thông minh và nhanh nhẹn, điều này được chứng minh bằng thứ hạng ở lớp và những lời khen ngợi của giáo viên. Hồ sơ của cậu có thư giới thiệu rất tích cực từ cố vấn tuyển sinh ở trường và danh sách hoạt động ngoại khóa đầy ấn tượng. Thậm chí khi có đầy đủ tiêu chí này, cậu vẫn có thể không phải là người nổi bật. Tuy nhiên, một thứ khác đập vào mắt tôi. Đó là thư giới thiệu từ người bảo vệ của trường.
Thư giới thiệu không phải là yêu cầu bắt buộc, thường được viết bởi những người mà ứng viên cho rằng sẽ gây ấn tượng với trường đại học mà mình ứng tuyển. Chúng tôi thường nhận được thư giới thiệu từ cựu tổng thống, người nổi tiếng, người thân hoặc vận động viên Olympic. Nhưng họ thường không cung cấp cho chúng tôi góc nhìn khác về ứng viên, không thể hiện được liệu ứng viên này có thể là một thành viên của cộng đồng chúng tôi hay không.
Bức thư này thì khác. Người bảo vệ viết rằng cảm thấy cần ủng hộ nam sinh này vì sự chu đáo của cậu. Đó là người duy nhất trong trường biết hết tên của mọi thành viên trong tổ bảo vệ. Cậu tắt đèn trong những phòng học trống, nói lời cảm ơn với giám thị mỗi sáng ở hành lang, dọn dẹp phần của bạn học ngay cả khi không ai chứng kiến. Theo lời bảo vệ, nam sinh này luôn tôn trọng mọi người trong trường, bất kể vị trí, danh tiếng hay quyền lực của họ.
Hơn 15 năm làm công tác tuyển sinh, đọc hơn 30.000 hồ sơ ứng tuyển, tôi chưa từng thấy một bức thư giới thiệu nào từ bảo vệ của trường. Nó chính là cánh cửa sổ giúp chúng tôi nhìn vào cuộc sống của một học sinh, vào khoảnh khắc không ai nhìn thấy. Học sinh đó được chấp nhận bởi toàn bộ hội đồng tuyển sinh.
Có rất nhiều ứng viên tài năng với những điểm đặc biệt. Chúng tôi hiểu cảm giác đau lòng của những ứng viên này khi bị trường đại học từ chối. Tôi biết rất rõ những từ “Chúng tôi rất tiếc phải thông báo với bạn” có sức tàn phá như thế nào.
Cho đến khi các hội đồng tuyển sinh tìm ra cách phát hiện phẩm chất cá nhân vô hình của ứng viên một cách chính xác, chúng tôi phải dựa vào những điều nhỏ nhặt để thấy được sự khác biệt. Đôi khi một địa chỉ email không thích hợp nói lên nhiều điều hơn một bài luận. Cách học sinh hành xử với bố mẹ trong chuyến tham quan trường đại học có ý nghĩa tương đương điểm bài kiểm tra chuẩn hóa. Và như tôi đã học được từ người bảo vệ nói trên, sự đánh giá chân thành từ một người không ngờ đến sẽ giúp chúng tôi định nghĩa được ứng viên chính xác hơn bất kỳ thư giới thiệu khuôn mẫu nào từ cựu tổng thống hay tay golf nổi tiếng.
Năm tới, có thể sẽ xuất hiện cơn lũ thư giới thiệu từ bảo vệ trường học nhờ vào bài viết này. Nhưng nếu điều đó có nghĩa là học sinh bắt đầu chú ý đến những người dọn dẹp phòng học nhiều như cách các em chú ý đến hiệu trưởng và các giáo viên, tôi sẽ rất vui khi khởi xướng phong trào đó.
Các trường đại học nên thúc đẩy sự phát triển của những cá nhân tiềm năng, không chỉ ở khả năng lãnh đạo và kết quả học tập, mà còn ở tính cách con người. Kể từ khi trở thành một bà mẹ, tôi đã xem hồ sơ ứng tuyển bằng con mắt khác. Tôi không thể ngừng hiếu kỳ về thời điểm này của 17 năm sau, khi con trai tôi hòa vào “cơn sốt” tuyển sinh đại học.
Dù thằng bé có quyết định học đại học hay không khi đến thời điểm thích hợp, tôi muốn nó sẽ là một người đủ chu đáo để trả lại thanh bánh ngũ cốc, và đủ tử tế để tôn trọng những người xung quanh mình.
Phiêu Linh
(Theo vnexpress: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/buc-thu-cua-bao-ve-giup-nam-sinh-my-trung-tuyen-dai-hoc-danh-gia-3568544.html)
Quý phụ huynh và các em có nhu cầu tìm hiểu thông tin chi tiết vui lòng liên hệ THANH TÂM để được tư vấn miễn phí:
CÔNG TY TƯ VẤN DU HỌC VÀ DI TRÚ THANH TÂM
57/7 A1 Hồ Bá Phấn, Phước Long A, Quận 9, TPHCM.
Tel: (028) 3728.1898 – hotline: 0976.848.898 (Có thể gọi qua zalo hoặc viber)
Email: duhocthanhtam@gmail.com
Website: https://visamisstam.com
Facebook: www.facebook.com/duhocthanhtam