Đóng

Cộng đồng chia sẻ

Quản Trị 07/01/2019 Cộng đồng chia sẻ, Tin di trú

Cô dâu Việt ở Mỹ nặng gánh gia đình

Hình ảnh có liên quan

Mình có thai sáu tháng, ba mẹ gọi điện sang không hề hỏi thăm một câu, chỉ giục gửi tiền về. Ba mẹ chắc nghĩ mình vẫn đi làm hai chỗ và kiếm được nhiều tiền lắm.

Nhân đọc bài viết chia sẻ của bạn Hồng Ngọc và bạn Lan mình thấy mỗi người đều có hoàn cảnh, suy nghĩ, cảm nhận riêng nên mình không dám quyết cái nào là đúng tuyệt đối, cái nào là sai tuyệt đối.

Ở đây mình chỉ xin chia sẻ chút suy nghĩ, cảm nhận, tâm sự từ hoàn cảnh cụ thể từ lúc còn ở Việt Nam cho đến khi định cư ở Mỹ để người đọc có thể hiểu thêm về cuộc sống của người Việt ở Mỹ, đặc biệt là cuộc sống của người vợ Việt lấy chồng người Mỹ như mình.

Cũng như bạn Lan, mình xuất thân trong một gia đình nghèo đông anh chị em ở miền Tây. Có khoảng thời gian mẹ phải bỏ nhà đi trốn nợ, ba phải chạy ngược chạy xuôi lo gạo từng bữa ăn, ít khi ở nhà. Mình nhớ lúc đó mấy chị em phải ở nhà đùm bọc nhau, gạo hôi mà phải chia từng chén ăn với canh mướp triền miên. Do đó, 18 tuổi vào đại học là mình đã gần như tự lập. Từ năm thứ hai, mình phải đạp xe đi dạy kèm khắp nơi ở Sài Gòn ngày năm ca để tồn tại và có thể dành dụm chút ít gửi về cho gia đình. Cùng lúc đó, mình lần lượt lấy thêm một bằng đại học khác, rồi thạc sĩ, làm giảng viên đại học gần 10 năm rồi mình mới theo chồng định cư ở Mỹ. 

Trong khoảng thời gian mười mấy năm ở Sài Gòn mình cũng đã trải qua vài mối tình, sâu đậm có, hời hợt cũng có và rút cuộc là chẳng ai thèm lấy mình. Lý do thì trời ơi đất hỡi. Cuối cùng, mình gặp chồng bây giờ, một người bạn lặng lẽ đi bên mình, giúp đỡ mình cho đến khi anh cầu hôn. Anh không quan tâm đến chuyện giàu nghèo, không quan tâm đến học vấn của mình, không quan tâm xem mình xuất thân trong gia đình như thế nào, không quan tâm đến tuổi tác (anh nhỏ hơn mình bốn tuổi) mà chỉ quan tâm đến suy nghĩ, cư xử, văn hóa của mình. Anh thật sự yêu mình và nói sẽ chờ cho đến khi nào mình thấy sẵn sàng trong mối quan hệ với anh. Quả thật mình cũng hơi run khi đồng ý lấy anh lúc em trai út mình học xong đại học và cứ dùng dằng không biết có nên đi sang Mỹ định cư.

Giờ thì mình ở Mỹ được hai năm bốn tháng. Gia đình nhà chồng đối xử với mình rất tốt, yêu thương, quan tâm, lo lắng phải nói còn hơn gia đình mình. Cuộc sống của mình với gia đình chồng cũng giống như những gì bạn Hồng Ngọc kể. Tuy ba mẹ chồng đã ly dị và mẹ chồng có bạn trai khác nhưng họ cũng rất quan tâm, vui vẻ với nhau như bạn bè thân thích cũ. Tuy nhiên, vì khác biệt văn hóa nên chắc cũng có những lúc họ bực về mình cũng như mình có lúc bực mình về họ. Mình biết đó là khác biệt văn hóa nên cứ suy nghĩ thoáng, nhập gia tùy tục vậy thôi. Vả lại mình đâu có quyền gì mà phán xét văn hóa của người khác, hay lối sống của họ.

Cũng giống như bạn Lan, lúc mới qua, lúc nào mình cũng chăm chăm lo nghĩ làm sao gửi tiền về cho ba mẹ ở Việt Nam dù gia đình mình lúc này đã khá hơn mười mấy năm trước rất nhiều. Mới qua chưa đi làm được mà thấy chồng làm việc vất vả lo cho mình với trăm thứ tiền, từ tiền nhà, tiền xe, tiền bảo hiểm này nọ, tiền ăn, tiền điện, nước, ga, sưởi, tiền học, tiền sách cho mình… nên mình không dám lấy tiền chồng gửi về cho gia đình.

Thế là mình nhận được mail em trai trách móc nào là không biết lo lắng giúp gia đình, khiến gia đình hổ thẹn, nào là ba mẹ chỉ biết thở dài xấu hổ vì con gái lấy chồng Mỹ mà không giúp gia đình được gì hết, nào là ba mẹ phải lẩn trốn bà con hàng xóm vì họ gặp cứ hỏi là mình gửi về được bao nhiêu tiền. Rồi chị gái mình cho hay là ba mình về quê nói với mọi người là tưởng con lấy chồng Mỹ được nhờ mà không nhờ được gì hết, còn không bằng lấy chồng Đài Loan. Mình nghe mà buồn quá, gọi điện về giải thích với gia đình là mình đang ăn bám chồng như vậy sao lại nỡ lấy tiền chồng gửi về nhà được nhưng gia đình dường như không hiểu nên mình khóc hoài.

Sau mình tâm sự với chồng là văn hóa người Việt con cái phải giúp đỡ gia đình này nọ thì anh cũng hiểu, nói sẵn sàng giúp đỡ, nói mình cần tiền gửi về nhà thì cứ rút trong tài khoản chung, anh không hẹp hòi gì. Lần đó mình rút vài trăm USD gửi về nhưng sau khi xem kỹ lại những chi phí anh phải bỏ ra trong tháng thì mình hết hồn, suýt thiếu tiền chi tiêu mà nợ của chồng khi mua nhà sửa nhà còn rất nhiều chưa trả nổi. Mình thấy chồng mình nợ như chúa chổm: nợ ngân hàng không nói rồi mà còn nợ ba chồng, mẹ chồng, nợ tín dụng, nợ HomeDepot (mua vật liệu xây dựng, trang trí nội thất khi sửa nhà), nợ Bestbuy (mua đồ điện tử). Vậy mà anh không hề cho mình biết, không hề than vãn, còn cho phép mình gửi tiền về cho gia đình mình, mua vé máy bay cho mình về thăm nhà trong khi anh cũng muốn nghỉ ngơi về thăm gia đình mình lắm nhưng không dám vì đâu có dư tiền. Càng nghĩ mình càng thương chồng.

Mình về Việt Nam 2 tháng, vẫn đi dạy tối mắt tối mũi để giúp gia đình và đỡ phải cảm giác vô tích sự. Về Việt Nam mình nghe được câu chuyện của người chị họ con dì. Chị đã sang ở California từ lâu, lúc nào cũng nghĩ thương mẹ già hay bệnh, thương các em nên công việc của chị là đi hái nho cực khổ vậy mà dành dụm chắt mót được đồng nào gửi về đồng nấy. Ai ngờ các em chị chỉ ỷ lại trong mấy chục năm trời không chịu làm lụng gì hết, chỉ lo ăn xài, rồi cờ bạc, xin tiền chị làm ăn này nọ mà toàn là bài bạc nên cứ nói là thua lỗ, nghèo khổ để xin thêm. Mẹ chị cũng bênh con nên chị có gọi điện về hỏi thì nói dối chị để chị gửi thêm tiền về. Cuối cùng chị đột ngột về Việt Nam mới biết chuyện nên giờ gần giống như là không nhìn mặt các em chị nữa. Mình thấy là đồng tiền mình đổ mồ hôi nước mắt làm ra mới quý, mới biết cách xài, chứ tiền xin được cứ như là tiền trên trời rớt xuống dễ làm con người ta sinh hư. Từ đó, tư tưởng mình cũng thay đổi.

Sau khi về Việt Nam trở qua, mình quyết tâm đi làm, không chịu cực, chịu khổ, không nề hà việc gì hết. Mình xin được việc làm. Công việc là trông coi cửa hàng giặt tự động. Mình phải làm đủ mọi việc hết, từ giấy tờ sổ sách cho đến giặt đồ, xếp đồ cho khách nếu khách yêu cầu, rồi lau chùi, quét dọn, dĩ nhiên là có cả quét dọn toa lét, coi sóc hàng trăm máy. Ngày làm 10 tiếng, lái xe đi về gần hai tiếng, thức dậy từ lúc 5h sáng. Mấy ngày đầu đi làm về là chân tay nhức nhói không ngủ được nhưng rồi cũng quen. Chưa kể có khi bị một số người Mỹ đen coi thường nói nhiều câu sỉ nhục này nọ nhưng mình thấy hòa nhập vào cuộc sống Mỹ hơn, thấy mình có ích hơn. Rồi ngay sau đó, mình xin được vào làm công việc văn phòng ở Bloomberg, một công ty lớn về tài chính hàng đầu thế giới. Môi trường làm việc nơi đây rất tốt, công việc không vất vả tay chân nhưng nặng nề đầu óc, áp lực rất cao. Mình vẫn làm việc ở chỗ cũ vào cuối tuần, nghĩa là mình làm việc liên tục, không có ngày nào nghỉ, không có thời gian nghỉ vì mình còn đi học master vào ban đêm, phải đọc sách, viết bài rất nhiều.

Mình cảm thấy tự tin hoạt bát hẳn lên. Chồng mình lại càng thương yêu mình và ủng hộ mình. Anh cũng đi làm một ngày hơn 12 tiếng, công việc rất căng thẳng và mệt mỏi nhưng luôn đảm nhận việc rửa chén, quét nhà, chăm sóc chó, cắt cỏ. Mình chỉ có mỗi việc nấu ăn. Anh khuyến khích mình mở tài khoản riêng và không hề hỏi han mình về vấn đề tiền bạc, mình muốn làm gì tùy ý. Chồng mình vẫn là người đứng ra chi trả mọi chi phí trong gia đình như trước. Chỉ khác là nếu mình đi chợ, đi mua sắm một mình hay đi ăn ngoài thì thỉnh thoảng mình lấy thẻ của tài khoản cá nhân chi, không lấy từ tài khoản chung nữa. Anh không hỏi nhưng mình cũng trích ra số tiền mình kiếm được giúp anh trả nợ ba mẹ anh và nợ tín dụng, tự mua xe. Phần còn lại mình giải thích với anh là để dành số tiền mình kiếm ra để sau này sinh con và lo lắng cho con, giúp đỡ gia đình mình khi cần thiết.

Anh rất ủng hộ mình và khi thu tiền nhà (bọn mình có một căn nhà cho thuê), nếu có giấy 100 USD, 50 USD thì anh đều đưa mình bảo để dành lì xì cho ba mẹ, các cháu mình vào dịp tết (ở Mỹ thường dùng giấy 20 USD và anh biết ở Việt Nam giấy 50 USD, 100 USD có giá hơn vì anh từng sống ở Việt Nam hai năm). Chồng mình dễ chịu là vậy nhưng mình vẫn không lạm quyền. Gửi tiền về cho ba mẹ mình bằng tiền mình làm ra thật nhưng mình chỉ gửi trong hạn định, mỗi ba tháng vài trăm. Còn anh chị em hỏi mượn tiền mua nhà, làm ăn nằng nặc đòi gửi về ngay thì mình từ chối, hẹn chờ khi nào mình về Việt Nam rồi tính.

Mình biết anh chị em mình thất vọng lắm, không gọi điện mượn tiền mình nữa, kêu mình “keo” này nọ nhưng tiền mình khó nhọc làm ra, dù mình ở khu vực đắt đỏ nhất nhì ở Mỹ, thì vài trăm cũng không phải là nhỏ, bằng cả trăm giờ làm thêm của mình chứ ít ỏi gì. Còn anh chị em mình thì đâu phải đến nỗi thức khuya dậy sớm vất vả như mình, ra đường lúc nào cũng sang trọng bảnh bao, mượn tiền mình hoài chưa trả mà cứ đòi mượn thêm, mỗi lần gọi điện cho mình chỉ nói chuyện tiền bạc. Không phải mình keo kiệt gì với gia đình nhưng anh chị em mình ai cũng lớn, cũng có gia đình con cái riêng hết rồi thì phải biết tự lo chứ, ỷ lại cả đời được sao? Còn mình thì phải lo cho gia đình riêng của mình, nếu có khả năng thì lo cho ba mẹ nữa thôi. Tự bản thân mình cảm thấy giúp đỡ anh chị em như vậy đủ rồi. Nếu cứ để cho họ ỷ lại thì có khi hại họ và con cái họ không chừng.

Lòng tự dặn lòng vậy rồi mà đôi khi mình cũng thấy chạnh lòng. Mình đã buồn và không nói với ba mẹ là mình có thai khi gọi điện về hỏi thăm ba mẹ mà ba mẹ chỉ hỏi xin tiền, không hỏi thăm mình gì hết. Rồi khi biết mình có thai cũng không hỏi thăm coi mình ăn uống, làm việc thế nào. Mới tuần rồi gọi mình mấy lần để hỏi thăm về số tiền mình gửi rồi cúp máy chứ cũng không hỏi thăm gì mình hết. Vậy là dù muốn mình cũng không thể than với mẹ là mình vừa nghỉ hết việc ở nhà do sức khỏe yếu, thai gần sáu tháng rồi mà lên được có 2 kg. Mà chắc mẹ cũng quên là mình đã có thai gần sáu tháng, chắc cứ tưởng mình vẫn đi làm hai chỗ và kiếm được nhiều tiền lắm. 

Có lẽ mình viết hơi dài dòng, lôi thôi nhưng mong bạn đọc hiểu chỉ là trải lòng tâm sự của cô dâu Việt ở Mỹ và có gia đình ở Việt Nam như mình. Mong giúp bạn đọc có cái nhìn khách quan về vấn đề này hơn.

Chúc một ngày tốt lành.

Hong Wisler

NGUỒN: https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/nguoi-viet-5-chau/co-dau-viet-o-my-nang-ganh-gia-dinh-2172505.html

Quý phụ huynh và các em có nhu cầu tìm hiểu thông tin chi tiết vui lòng liên hệ để được tư vấn miễn phí:
CÔNG TY TƯ VẤN DU HỌC VÀ DI TRÚ THANH TÂM
57/7 A1 Hồ Bá Phấn, Phước Long A, Quận 9, TPHCM.
Tel: (028) 3728.1898 – hotline: 0976.848.898 (Có thể gọi qua zalo hoặc viber)
Emailduhocthanhtam@gmail.com 
Websitehttps://visamisstam.com
Facebookwww.facebook.com/duhocthanhtam

Chat Facebook
  • Công ty tư vấn Du học và Di trú Thanh Tâm xin chào bạn!

  • Chúng tôi có thể hỗ trợ gì cho bạn?

  • Chat ngay