Tại sao du học không thành công?
Trả lời “Cây cần gì để lớn”, nhiều học sinh nói là đất, nước, không khí, ánh sáng, dinh dưỡng, tức đều không sáng tạo và khó giành học bổng du học.
Tại hội thảo do chương trình Song bằng Quốc tế Olympia tổ chức ngày 21/12, thầy Nguyễn Chí Hiếu, tiến sĩ tại Đại học Stanford (Mỹ), thủ khoa MBA của Đại học Oxford (Anh) chỉ ra sáu năng lực học sinh còn thiếu, dẫn đến trượt học bổng du học hoặc không thể trụ được khi học tập trong môi trường quốc tế.
1. Tư duy sáng tạo
Khi đưa ra câu hỏi “Cây cần gì để lớn”, nhiều học sinh THCS trả lời là đất, nước, không khí, ánh sáng, dinh dưỡng. Câu trả lời của các bạn không sai và thường được điểm 9, 10 nếu đang trong một buổi học bình thường trên lớp. Thế nhưng khi dùng câu trả lời này trong một buổi phỏng vấn xin học bổng du học, khả năng cao là bạn sẽ trượt bởi nó cho thấy bạn chỉ nắm được kiến thức mà hầu hết học sinh khác cũng biết chứ không thể hiện được tư duy sáng tạo.
Thay vào đó, nếu các bạn đưa ra được những câu trả lời mới lạ hơn như cây cần sự chăm sóc, thời gian để lớn, cần âm nhạc để không bị stress hay đá để khỏi bị lũ cuốn trôi, bạn sẽ được đánh giá cao. Nhà tuyển sinh thích thú và trao học bổng cho những người mà khi đụng đến một vấn đề, đầu của họ đã nghĩ tới những câu trả lời khác hơn số đông còn lại.
Thời còn học tại Đại học Stanford, tôi tham gia làm một bài thi kéo dài 6 tiếng. Ai không vượt qua sẽ lập tức bị đuổi học. Điều này khiến tất cả sinh viên căng thẳng. Kỳ thi không cần ghi nhớ gì cả. Đề thi được đưa ra dưới dạng mở và trường cho phép sinh viên mang bất kỳ sách vở nào vào. Ai đi thi cũng xách theo hai valy toàn sách.
Tôi làm bài thi đó suốt 6 tiếng nhưng cũng chỉ xong được khoảng 60%, cũng là tạm ổn. Nhưng hôm đó, có một bạn chỉ làm trong 3 phút rồi gấp tất cả sách vở vào valy và đi ra trong sự ngạc nhiên của sinh viên. Kết quả, bạn đó đạt điểm tuyệt đối với bài làm chỉ có một vòng tròn và hai chữ “đề sai”. Ở kỳ thi đó, đề bài có điểm sai cốt lõi thật, nhưng không ai nghĩ là sẽ tìm ra lỗi sai mà chỉ cố gắng làm được càng nhiều càng tốt. Điều đó cho thấy bạn đó đã nghĩ theo hướng khác bình thường, đó là tư duy sáng tạo.
Cách học của chúng ta bây giờ là đưa ra câu trả lời đúng và chỉ có một đáp án đúng. Bốn phương án A, B, C, D, chỉ cần khoanh đúng theo đáp án là được điểm cao. Điều này khiến học sinh suy nghĩ rập khuôn, có cách học rập khuôn – một cản trở khi du học.
Tôi đã gặp phải cản trở này và nhiều học sinh hiện cũng như vậy. Nếu không thay đổi cách học, không chịu khó đọc sách, các bạn khó lòng xin được học bổng để đi du học chứ chưa nói đến việc học tập ở nước ngoài.
2. Viết lập luận và phân tích
Với bức tranh vẽ cô gái đứng trên bãi biển, nhiều học sinh chỉ thấy đó là một cô gái hay cô gái đang biến mất. Hay nếu yêu cầu phân tích bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ, chắc hẳn hầu hết học sinh trong lớp đều đi theo một mô típ với những ý như nhau. Vì cách học rập khuôn và thói quen chỉ nhìn theo một hướng như vậy, học sinh thời nay thiếu năng lực viết lập luận và phân tích tốt.
Những bạn đọc sách nhiều và học đúng cách, với bức tranh cô gái đứng trên bãi biển, chỉ trong 1-2 phút sẽ ra được 4-5 ý tưởng. Không phải chỉ học sinh thông minh mới nghĩ ra nhiều ý tưởng mà đơn giản là họ đã học đúng cách. Những bạn đó đi du học sẽ rất giỏi viết lập luận và phân tích.
Tôi khẳng định những người có năng lực viết lập luận và phân tích sẽ rất thành công khi học đại học và nếu thiếu thì sẽ cực kỳ vất vả. Thực tế chứng minh điều này khi các trường đều yêu cầu bài viết luận trong hồ sơ xin học bổng, các trường như Đại học Oxford hay Harvard luôn đánh giá khả năng viết của bạn thay vì chỉ cho điểm số thông thường. Không cần tìm hiểu bạn đến từ đâu, học trường nào, thành tích ra sao, chỉ cần đọc bài viết trong 5 phút, tôi có thể biết ai đọc sách nhiều, ai tư duy sáng tạo hơn ai.
3. Tư duy phản biện (đặt câu hỏi)
Có một hiệu trưởng từng đến trường tôi. Thầy đưa ra một câu trả lời và yêu cầu học sinh đặt câu hỏi cho câu trả lời đó. Thầy nói rằng không cần phỏng vấn hay xem điểm số, chỉ cần học sinh nào nghĩ ra câu hỏi trong 30 giây mà đến thầy cũng không nghĩ ra, thầy sẽ trao học bổng.
Thầy hiệu trưởng khẳng định như vậy vì thông qua một câu hỏi, người nghe sẽ biết tư duy phản biện của học sinh đó như thế nào. Việc học sinh đó nghĩ ra câu hỏi như vậy không phải là do may mắn mà là nhờ quá trình học tập, tích lũy trong nhiều năm.
Việc tư duy phản biện có tốt hay không cũng cần thời gian tích lũy. Giống như việc tập xe đạp, hôm nay đi được không có nghĩa là đã thuần thục mà phải tập đi tập lại nhiều lần. Hôm nay, các bạn học tư duy phản biện. Trong 5 năm tới, các bạn thường xuyên đọc sách và tin tức, học đủ sâu, suy nghĩ nhiều, nói chuyện với nhiều người thì năng lực này sẽ hình thành một cách tự nhiên. Còn nếu chỉ dành thời gian để “chat” trên Facebook hay đọc tin tức giải trí, tư duy của bạn chỉ bó hẹp và ngang ngửa những người cũng hàng ngày dành số lượng lớn thời gian để “chat” mà thôi.
Các bạn thường nghĩ rằng những người đạt học bổng du học là giỏi nhất nhưng không phải. Họ chỉ học đúng cách, sử dụng đúng thời gian của mình. Tôi là sinh viên xuất sắc nước Anh năm 2004, top 100 sinh viên giỏi nhất thế giới năm 2006, nhưng 30 lần làm bài kiểm tra IQ chưa một lần đạt điểm mức thông minh. Những người thông minh hiểu nhanh nhưng chưa chắc đã biết nhiều và biết sâu. Nếu không biết nhiều và sâu, người đó không thể có tư duy phản biện tốt.
Tôi cũng muốn khuyên các bạn đừng nghĩ đi học khóa tư duy phản biện 10 tuần thì học được mà thay vào đó hãy đọc 10 quyển sách để có năng lực này.
4. Giải quyết vấn đề đa chiều
“Con học không tốt. Vì sao”? Đã bao nhiêu lần trong tuần vừa qua các bạn hỏi chính mình câu hỏi này?
Thông thường, sáng ngủ dậy, các bạn vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi đi học. Tối về lại tiếp tục học thêm rồi làm bài tập ở nhà, dành khoảng thời gian online rồi đi ngủ. Các bạn rất ít khi đặt câu hỏi “Liệu cách học của mình có vấn đề gì không? Tại sao mình chưa học tốt? Mình cần thay đổi gì để học tốt hơn”?
Khi học lớp 6, tôi là đứa học dở tiếng Anh nhất lớp, đến nỗi còn đặt ra câu hỏi rất dở rằng tại sao lại là “I am” và “He is” mà không phải là “I is” và “He am”. Tôi đã về nhà và hỏi bố mẹ “Tại sao con học tiếng kém đến vậy”? Khi đó, bố mẹ tôi khuyên mỗi khi học không thấy vào, hãy dừng lại và hỏi mình một câu như vậy rồi từ đó tìm ra câu trả lời. Tôi đã làm theo, tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp. Kết quả, từ đứa dở tiếng Anh, tôi trở thành sinh viên xuất sắc ở Anh.
Điều tôi muốn nói ở đây là hiện các bạn rất ít suy nghĩ về những suy nghĩ của mình. Khi không đồng ý với bố mẹ điều gì, các bạn giãy nảy lên, đóng cửa phòng và treo biển “Do not enter” (Không vào). Bố mẹ có cấm gì thì lại quát lên “Đây là quyền tự do của con”. Các bạn quy chụp mà chưa bao giờ nghĩ tại sao mình lại có suy nghĩ như vậy.